Skip to main content

Châu Thành đẩy mạnh tuyên tuyền chính sách hỗ trợ học nghề Trung cấp, Cao đẳng trên địa bàn

Nhằm triển khai kịp thời, hiệu quả các chính sách hỗ trợ người lao động, thu hút học sinh, sinh viên vào học tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động. Thời gian qua, các cấp, ngành, địa phương trong huyện Châu Thành đã nỗ lực đẩy mạnh công tác tuyên tuyền, vận động người lao động, học sinh sinh viên tham gia các lớp đào tạo, học nghề trung cấp, cao đẳng, qua đó, tạo điều kiện thuận lợi để người lao động dễ dàng tiếp cận và thụ hưởng chính sách của Đảng và Nhà nước.

Xác định tầm quan trọng của giáo dục nghề nghiệp trong việc phát triển kinh tế - xã hội, Huyện đã tập trung quan tâm thực hiện nhiều chính sách mới, ưu tiên phát triển dạy nghề được hoạch định thật rõ và có lộ trình tại Đề án số 11-ĐA/HU của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện ngày 06 tháng 7 năm 2020 về “Phát triển giáo dục hướng nghiệp, đào tạo nghề và giải quyết việc làm giai đoạn 2020 - 2025 và định hướng đến năm 2030. Cụ thể, trong giai đoạn 2020 -2025, mục tiêu phấn đấu 40% học sinh tốt nghiệp Trung học cơ sở tiếp tục học tập tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, đào tạo trình độ sơ cấp, trung cấp.

Để thực hiện đạt mục tiêu và giúp học sinh, sinh viên, người lao động hiểu rõ hơn các chích sách hỗ trợ học nghề trung cấp, cao đẳng. Phòng Lao động, thương binh và xã hội huyện phối hợp các ban, ngành chuyên môn, Uỷ ban nhân dân các xã, thị trấn, Trung tâm đào tạo nghề, doanh nghiệp trong và ngoài địa phương tổ chức các buổi truyền thông trực tiếp, đối thoại với học sinh, sinh viên, người lao động các nội dung về Thông tư số 17 của Bộ Lao động, thương binh và xã hội ngày 6/9/2022 hướng dẫn thực hiện một số nội dung về giáo dục nghề nghiệp, giới thiệu việc làm cho người lao động tại các tiểu dự án và nội dung thành phần thuộc Chương trình mục tiêu Quốc gia giai đoạn 2021 – 2025; Nghị định 61/2015 của Chính phủ quy định về chính sách hỗ trợ tạo việc làm và Quỹ Quốc gia về việc làm; Quyết định của Uỷ ban nhân dân tỉnh về việc phát triển danh mục, định mức, hỗ trợ đào tạo nghề, trình độ sơ cấp thường xuyên dưới 03 tháng; Kế hoạch số 99 của Phòng Lao động, thương binh và xã hội huyện thực hiện tiểu dự án, nội dung, thành phần về lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp thuộc 02 chương trình mục tiêu quốc gia: giảm nghèo bền vững và nông thôn mới năm 2024; Nghị định số 81/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập; giá dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo

Theo đó, đối tượng được miễn học phí trình độ trung cấp, cao đẳng theo Nghị định số 81/2021/NĐ-CP của Chính phủ gồm: các đối tượng theo quy định tại Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng (người có công với cách mạng, thân nhân người có công với cách mạng, Thương binh…) nếu đang theo học tại các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân; trẻ em học mẫu giáo và học sinh, sinh viên khuyết tật; trẻ em học mẫu giáo và học sinh dưới 16 tuổi không có nguồn nuôi dưỡng và người từ 16 tuổi đến 22 tuổi đang học phổ thông, giáo dục đại học văn bằng thứ nhất thuộc đối tượng hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng theo quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 5 Nghị định số 20/2021/NĐ-CP ngày 15 tháng 3 năm 2021 của Chính phủ về chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội. Người học các trình độ trung cấp, cao đẳng mồ côi cả cha lẫn mẹ, không nơi nương tựa theo quy định của Luật giáo dục nghề nghiệp.

Học sinh, sinh viên hệ cử tuyển (kể cả học sinh cử tuyển học nghề nội trú với thời gian đào tạo từ 3 tháng trở lên) theo quy định của Chính phủ về chế độ cử tuyển vào các cơ sở giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp thuộc hệ thống giáo dục quốc dân. Học sinh trường phổ thông dân tộc nội trú, trường dự bị đại học, khoa dự bị đại học. Học sinh, sinh viên học tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học người dân tộc thiểu số có cha hoặc mẹ hoặc cả cha và mẹ hoặc ông bà (trong trường hợp ở với ông bà) thuộc hộ nghèo và hộ cận nghèo theo quy định của Thủ tướng Chính phủ. Sinh viên học chuyên ngành Mác-Lê nin và Tư tưởng Hồ Chí Minh. Học sinh, sinh viên, học viên cao học, nghiên cứu sinh học một trong các chuyên ngành Lao, Phong, Tâm thần, Giám định pháp Y, Pháp y tâm thần và Giải phẫu bệnh tại các cơ sở đào tạo nhân lực y tế công lập theo chỉ tiêu đặt hàng của Nhà nước.

Học sinh, sinh viên người dân tộc thiểu số rất ít người quy định tại khoản 1 Điều 2 Nghị định số 57/2017/NĐ-CP ngày 09 tháng 5 năm 2017 của Chính phủ quy định chính sách ưu tiên tuyển sinh và hỗ trợ học tập đối với trẻ mẫu giáo, học sinh, sinh viên dân tộc thiểu số rất ít người ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn hoặc đặc biệt khó khăn theo quy định hiện hành của cơ quan có thẩm quyền. Người học thuộc các đối tượng của các chương trình, đề án được miễn học phí theo quy định của Chính phủ. Người tốt nghiệp trung học cơ sở học tiếp lên trình độ trung cấp. Người học các trình độ trung cấp, cao đẳng, đối với các ngành, nghề khó tuyển sinh nhưng xã hội có nhu cầu theo danh mục do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định. (Ban hành kèm theo Thông tư số 37/2017/TT-BLĐTBXH ngày 29 tháng 12 năm 2017 của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội). Người học các ngành, nghề chuyên môn đặc thù đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh theo quy định của Luật Giáo dục nghề nghiệp. Các ngành, nghề chuyên môn đặc thù do Thủ tướng Chính phủ quy định

Đối tượng được giảm 70% học phí gồm: học sinh, sinh viên học các ngành nghệ thuật truyền thống và đặc thù trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ sở giáo dục đại học công lập, tư thục có đào tạo về văn hóa - nghệ thuật bao gồm: Nhạc công kịch hát dân tộc, nhạc công truyền thống Huế, đờn ca tài tử Nam Bộ, diễn viên sân khấu kịch hát, nghệ thuật biểu diễn dân ca, nghệ thuật ca trù, nghệ thuật bài chòi, biểu diễn nhạc cụ truyền thống.

Học sinh, sinh viên học các chuyên ngành nhã nhạc cung đình, chèo, tuồng, cải lương, múa, xiếc; một số nghề học nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm đối với giáo dục nghề nghiệp theo danh mục các nghề học nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định (Ban hành kèm theo Thông tư số 05/2023/TT-BLĐTBXH ngày 15 tháng 6 năm 2023 của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội). Trẻ em học mẫu giáo và học sinh, sinh viên là người dân tộc thiểu số (ngoài đối tượng dân tộc thiểu số rất ít người) ở thôn/bản đặc biệt khó khăn, xã khu vực III vùng dân tộc và miền núi, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển hải đảo theo quy định của cơ quan có thẩm quyền.

Với việc đẩy mạnh công tác tuyên tuyền và triển khai đồng bộ các giải pháp, chính sách hỗ trợ của nhà nước, địa phương đối với công tác giáo dục nghề nghiệp, sẽ tạo điều kiện cho họ sinh, sinh viên, người lao động trên địa bàn nhận thức được tầm quan trọng của chính sách hỗ trợ giáo dục nghề nghiệp, từ đó, kịp thời, nắm bắt các cơ chế chính sách hỗ trợ của huyện, chủ động tham gia các lớp đào tạo, học nghề sơ cấp, trung cấp, cao đẳng phù hợp với khả năng, điều kiện của từng đối tượng, để nâng cao trình độ, tay nghề đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động, qua đó, giúp người lao động dễ tìm kiếm việc làm, tăng thu nhập, ổn định cuộc sống./.

Trần Ngân.