Skip to main content

Non sông gấm vóc Việt Nam do phụ nữ ra sức dệt thêu mà thêm tốt đẹp, rực rỡ

Sinh thời Hồ Chủ tịch luôn quan tâm và đánh giá cao vị trí vai trò của phụ nữ trong quá trình phát triển của lịch sử dân tộc Việt Nam. Ngày 8 tháng 3 năm 1952, trong thư gửi phụ nữ Việt Nam nhân dịp kỷ niệm Hai Bà Trưng và ngày Quốc tế Phụ nữ, Người nhấn mạnh: “Non sông gấm vóc Việt Nam do phụ nữ ta, trẻ cùng già, ra sức dệt thêu mà thêm tốt đẹp, rực rỡ ”.


Bức thư ấy được đăng tải toàn văn trên báo Nhân Dânsố 49, ngày 13-3-1952. Nội dung thư đã nêu bật vai trò to lớn của phụ nữ trong cuộc kháng chiến của toàn dân tộc, các bà, các mẹ, các chị đã xung phong đi dân công, giúp thương binh, hòa lòng yêu nước, yêu con, yêu chiến sĩ thành mối yêu thương không bờ bến. Người yêu cầu các cấp lãnh đạo đi sát hơn, thiết thực hơn với phong trào phụ nữ để phong trào ấy chắc hơn, rộng hơn, mạnh hơn. Đồng thời người giao nhiệm vụ cho phụ nữ trong hoàn cảnh đất nước lúc bấy giờ: phải thắt chặt đoàn kết, thi đua tăng gia sản xuất, tiết kiệm, tích cực tham gia chính quyền, giúp đỡ bộ đội, bảo vệ nhi đồng...

 Trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, Chủ tịch Hồ Chí Minh xác định phụ nữ là một trong những nhân tố quyết định đến sự thành bại của cách mạng. Tại Lễ kỷ niệm ngày thành lập Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam (20-10-1966), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhắc đến truyền thống yêu nước đầy tự hào của người Phụ nữ Việt Nam: “Từ đầu thế kỷ thứ nhất, Hai Bà Trưng phất cờ khởi nghĩa đánh giặc cứu nước, cứu dân, cho đến ngày hôm nay mỗi khi nước nhà gặp nguy nan, thì phụ nữ ta hăng hái đứng lên, góp phần xứng đáng của mình vào sự nghiệp giải phóng dân tộc. Do đó ta có câu tục ngữ rất hùng hồn: “Giặc đến nhà, đàn bà cũng đánh”.

Người đã thấu hiểu được sự vất vả, hy sinh thầm lặng của phụ nữ Việt Nam trong điều kiện chiến tranh ác liệt. Không những tham gia kháng chiến mà họ còn phải cáng đáng việc nhà để chồng con yên tâm đi đánh giặc. Ruộng nương, vườn tược, nhà cửa, chăm sóc nuôi dạy con cái, phụng dưỡng cha mẹ… đều đổ dồn lên đôi vai gầy yếu của các chị, các mẹ. Ghi nhận những cống hiến to lớn của chị em trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước thần thánh của dân tộc, Bác đã trao tặng cho phụ nữ Việt Nam 8 chữ vàng cao quý: “Anh hùng - Bất khuất-  Trung hậu - Đảm đang”.

 Khắc ghi lời dạy của Người, hiện nay, đội ngũ cán bộ nữ luôn được tạo điều kiện phát huy quyền làm chủ, đáp ứng ngày càng cao yêu cầu của sự nghiệp xây dựng đất nước. Phong trào phụ nữ đã có bước phát triển, các tầng lớp phụ nữ tỏ rõ có năng lực, phẩm chất, nêu cao tinh thần yêu nước, đoàn kết, phát huy tiềm năng, sức sáng tạo trong học tập, lao động sản xuất và công tác, đạt những thành tích xuất sắc. Đội ngũ cán bộ nữ đã có bước trưởng thành rõ rệt. Trong các cấp uỷ đảng và ở các vị trí lãnh đạo từ Trung ương đến cơ sở đều có cán bộ nữ tham gia.

Thấm nhuần những tư tưởng, tình cảm của Chủ tịch Hồ Chí Minh giành cho phụ nữ Việt Nam, Đảng, Nhà nước ta đã có nhiều chủ trương, chính sách để bảo vệ quyền lợi của phụ nữ và tạo mọi điều kiện thuận lợi để chị em vươn lên khẳng định mình. Đại hội XI của Đảng khẳng định: Nâng cao trình độ mọi mặt và đời sống vật chất, tinh thần tiếp tục thực hiện bình đẳng giới. Tạo điều kiện để phụ nữ thực hiện tốt vai trò của người công dân, người lao động, người mẹ, người thầy đầu tiên của con người. Bồi dưỡng, đào tạo để phụ nữ tham gia ngày càng nhiều vào các hoạt động xã hội, các cơ quan lãnh đạo và quản lý ở các cấp, chăm sóc và bảo vệ sức khoẻ bà mẹ, trẻ em. Tiếp tục gắn với thực hiện Cuộc vận động "Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch"; tiếp tục tuyên truyền, nhân rộng và phát triển các phong trào, các mô hình, cách làm sáng tạo có hiệu quả cổ vũ, động viên cán bộ, hội viên hăng say học tập, công tác, nghiên cứu khoa học, thi đua lập công trên các lĩnh vực, đóng góp vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Nguyễn Hiền