Skip to main content

Giới thiệu chung

LỜI GIỚI THIỆU CHUNG VỀ XÃ VĨNH HANH

Xã Vĩnh Hanh huyện Châu Thành, được thành lập từ năm 1979, theo Quyết định số 181-CP ngày 25/04/1979 của Hội đồng Chính phủ về việc điều chỉnh địa giới và đổi tên một số xã, thị trấn thuộc tỉnh An Giang.

Xã Vĩnh Hanh là xã nông nghiệp, có vị trí nằm cặp trục Tỉnh lộ 941; phía đông giáp xã Cần Đăng; phía tây giáp xã Vĩnh Bình; phía nam giáp với xã Vĩnh Lợi, Vĩnh Nhuận huyện Châu Thành; phía bắc giáp với xã Bình Chánh huyện Châu Phú.

hinh


Tổng diện tích tự nhiên 3.693 ha; trong đó đất nông nghiệp là 3.234 ha, đất chuyên dùng 339 ha, đất ở 120 ha. Trên địa bàn xã có 3.377 hộ với 12.971 nhân khẩu. Là xã nông nghiệp (số hộ sống bằng nghề nông chiếm khoảng 90%), còn lại là các ngành nghề sản xuất, kinh doanh và dịch vụ với quy mô nhỏ 10%. Địa bàn xã được chia thành 06 ấp (Vĩnh Thới, Vĩnh Thạnh, Vĩnh Lợi, Vĩnh Thuận, Vĩnh Phúc và Vĩnh Hoà). Về cơ cấu dân số, có 04 thành phần dân tộc chủ yếu: người Kinh 92,93%; Chăm  6,68%; người Hoa 0,12%; Khmer 0,27%. Số người trong độ tuổi lao động là 7.942 người; chiếm 61,20%.
Kết cấu hạ tầng, cầu, đường giao thông nông thôn đã được xây dựng và nâng chất đảm bảo thông suốt, phục vụ cho việc đi lại, vận chuyển hàng hóa và phát triển kinh tế xã hội của xã, cũng như khu vực. Từ đó kinh tế xã hội của xã không ngừng phát triển, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội luôn ổn định, đời sống vật chất, tinh thần của người dân ngày càng được nâng lên, tạo điều kiện cho địa phương phát triển toàn diện về mọi mặt. 
Xã Vĩnh Hanh là một trong hai xã được huyện chọn thực hiện hoàn thành xã nông thôn mới năm 2022. Ngay từ khi triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã đã xác định đây là mục tiêu, nhiệm vụ chính trị quan trọng hàng đầu của địa phương do đó đã tập trung triển khai thực hiện với quyết tâm hoàn thành đúng theo lộ trình kế hoạch đề ra. Qua triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về xây dựng nông thôn mới, đã tạo sự đồng thuận cao và nâng cao ý thức của người dân cùng chung tay xây dựng nông thôn mới. Hệ thống chính trị đã có sự chuyển biến tích cực từ nhận thức đến hành động việc làm từ đó đã góp phần hoàn thành chương trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn xã.

hinh

Từ khi triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đến nay, tình hình kinh tế - xã hội trên địa bàn xã phát triển ổn định, kinh tế tăng trưởng nhanh, có sự đột phá bằng các mô hình sản xuất, kinh doanh có hiệu quả, tạo sự chuyển biến tích cực trong phát triển nông nghiệp, gắn nông nghiệp với sự phát triển công nghiệp, dịch vụ; thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân; cảnh quan môi trường xanh - sạch - đẹp; an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội luôn được giữ vững và ổn định.