GIẢM BỆNH TẬT VÀ TỬ VONG Ở TRẺ EM
Theo Luật trẻ em Việt Nam năm 2016 quy định “Trẻ em là người dưới mười sáu tuổi”.
Bệnh tật ở trẻ trẻ em được hiểu là những bệnh bẩm sinh di truyền (dị tật bẩm sinh) hoặc mắc phải sau khi được sinh ra.
Theo báo cáo của Nhóm liên ngành của Liên hợp quốc về Đánh giá tình hình tử vong ở trẻ em (UN IGME) tại Việt Nam, tỉ lệ tử vong ở trẻ dưới 5 tuổi giảm từ 30/1.000 ca sinh sống năm 2000 xuống 21 trẻ vào năm 2021 và trong cùng thời kỳ, tỉ lệ thai chết lưu giảm thừ 11.1/1.000 ca sinh xuống 8.0. Ước tính có khoảng 30.000 trẻ tử vong trước khi tròn 5 tuổi và 11.822 thai chết lưu tại Việt Nam năm 2021.
Có 3 nhóm trẻ sơ sinh hay gặp tình trạng tử vong cao là nhóm trẻ có các bệnh lý liên quan đến giai đoạn chu sinh (từ khi bào thai được 28 tuần cho đến hết tuần lễ đầu tiên sau khi trẻ ra đời), các bệnh nhiễm trùng hô hấp (viêm phổi, viêm tiểu phế quản...) và dị tật bẩm sinh (teo thực quản bẩm sinh, viêm phúc mạc sơ sinh, sinh ngạt, sinh non, dị tật bẩm sinh của đại tràng, teo ruột non, các dị tật về tim) chiếm tỷ lệ đến 87,4% tổng số tử vong sơ sinh.
Trong những năm qua, chương trình CSSKTE tại tuyến y tế cơ sở đã được triển khai rộng rãi, góp phần giảm đáng kể tỷ lệ tử vong của trẻ dưới 1 tuổi và dưới 5 tuổi. Đây chính là một thách thức lớn trong công tác chăm sóc sức khỏe trẻ em.
Tỷ lệ tử vong trẻ em ở các khu vực miền núi, vùng sâu, hẻo lánh, nông thôn hay trong các gia đình nghèo cao gấp 3 - 4 lần so với vùng đồng bằng và các gia đình khá giả.
Các nguyên nhân bệnh tật và tử vong chính ở trẻ sơ sinh là:
- Do các yếu tố nguy cơ trong khi mang thai và khi sinh. Dịch vụ chăm sóc bà mẹ mang thai. Sàng lọc trước sinh, sàng lọc sơ sinh còn hạn chế, chưa đáp ứng nhu cầu. Kiến thức về chăm sóc thai nhi, chăm sóc trẻ nhỏ của một bộ phận người dân còn hạn chế, nhất là tại nhiều vùng sâu, vùng xa
- Khả năng tiếp cận dịch vụ CSSK cho bà mẹ và TE ở nhiều vùng còn có khó khăn, khoảng cách từ nhà tới cơ sở y tế quá xa, cơ sở y tế thiếu điều kiện cơ sở vật chất
- Nhiều phụ nữ mang thai không đi thăm khám định kỳ, thực hiện sàng lọc để phát hiện những bất thường thai nhi để kịp thời điều trị, cũng như cho TE đi tiêm chủng đầy đủ dẫn tới tình trạng bệnh tật và tử vong ở trẻ.
Bệnh tật ở trẻ em để lại hậu quả:
- Ảnh hướng đến sức khỏe, hạn chế sự phát triển toàn diện của trẻ, làm gia tăng tỷ lệ trẻ khuyết tật, tăng gánh nặng cho gia đình và xã hội
- Gia tăng tỷ lệ tử vong ở trẻ
Thực hành để làm mẹ an toàn, nâng cao sức khỏe, giảm bệnh tật và tử vong TE, các bà mẹ cần:
- Khám thai định kỳ
- Tiêm chủng đầy đủ
- Khám sàng lọc trước sinh
- Đẻ tại cơ sở y tế hoặc được cán bộ y tế giúp đỡ
- Nuôi con bằng sữa mẹ
- Tăng cường học hỏi nhận biết các dấu hiệu nguy hiểm cho trẻ
- Thực hiện tiêm chủng đầy đủ cho trẻ theo lịch tiêm chủng
Nguyễn Hiền