Những biện pháp phòng chống bệnh Tay - Chân - Miệng
Hiện nay, bệnh tay chân miệng đang diễn biến hết sức phức tạp, bệnh có chiều hướng gia tăng mạnh trong cộng đồng. Bệnh tay - chân - miệng là một bệnh truyền nhiễm cấp tính do siêu vi trùng đường ruột gây ra, bệnh lây từ người sang người do tiếp xúc trực tiếp với nước bọt, dịch tiết mũi - họng, dịch của các bọng nước khi vỡ hoặc qua đường phân - miệng, qua thức ăn, nước uống bị nhiễm virus, có biểu hiện đặc trưng là sốt và mụn nước thường thấy xuất hiện tập trung ở lòng bàn tay, lòng bàn chân và ở bên trong miệng. Phần lớn ảnh hưởng đến đối tượng trẻ em dưới 10 tuổi và thường gặp nhất ở trẻ dưới 5 tuổi. Nếu không phát hiện sớm và điều trị kịp thời bệnh sẽ để lại những biến chứng nguy hiểm có thể dẫn đến tử vong.
- Những biểu hiện của bệnh tay- chân - miệng.
Trẻ mắc bệnh tay - chân - miệng sẽ có những biểu hiện như: sốt nhẹ, chán ăn, mệt mỏi, đau họng, nổi nốt phỏng nước. Ban đầu có những chấm đỏ xuất hiện 1-2 ngày sau khi sốt, sau đó tiến triển thành phỏng nước và vỡ ra thành vết loét. Phỏng nước cũng xuất hiện ở da, thường thấy ở lòng bàn tay, bàn chân, niêm mạc miệng, lưỡi và mặt trong của má, gối, mông, đùi, bẹn.
- Để phòng bệnh Tay chân miệng cho trẻ phụ huynh cần thực hiện tốt “3 SẠCH"
1. Ăn uống sạch (thực hiện ăn chín, uống chín; sử dụng nước sạch trong sinh hoạt hằng ngày; không dùng chung khăn tay, vật dụng cá nhân như cốc, bát, đĩa, thìa, đồ chơi chưa được khử trùng)
2. Ở sạch (thường xuyên lau sạch các bề mặt, vật dụng tiếp xúc hằng ngày như đồ chơi, dụng cụ học tập, tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, mặt bàn ghế, sàn nhà bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường)
3. Bàn tay sạch (người lớn và trẻ em thường xuyên rửa tay bằng xà phòng và nước sạch, đặc biệt là trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh).
- Một số lưu ý khi chăm sóc trẻ mắc bệnh tay - chân - miệng:
• Hạn chế tiếp xúc với trẻ bệnh tay chân miệng nếu không thực sự cần thiết;
• Trẻ bị mắc bệnh cần được cách ly tại nhà để tránh lây lan. Tuyệt đối không đi học;
• Vệ sinh nơi ở của người bệnh bằng cách lau phòng, khử khuẩn toàn bộ giường bệnh, phòng bệnh bằng Cloramin B 2%;
• Xử lý những chất thải, quần áo, khăn trải giường của người bệnh và những dụng cụ chăm sóc được sử dụng lại theo quy trình của phòng bệnh lây qua đường tiêu hóa;
• Người nhà và nhân viên y tế cần rửa tay kháng khuẩn sau khi thay quần áo, tã hoặc tiếp xúc với phân, nước bọt,... của người bệnh.
• Không cho trẻ lành tiếp xúc với người bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh.
Trong trường hợp nặng, trẻ quấy khóc, sốt cao liên tục, li bì, vật vã, hôn mê, da xanh tái hay khó thở, thở nhanh, run tay chân, nôn nhiều, nôn khan, yếu chân tay, khó nuốt, đi loạng choạng, không ăn uống được. Nếu không được điều trị kịp thời, bệnh có thể gây các biến chứng nguy hiểm.
- Bệnh tay chân miệng có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm như: viêm não, viêm cơ tim, suy tim, trụy mạch có thể dẫn tới tử vong....
Nguyễn Hiền