Những móc son chói lọi của Đảng: Thời kỳ tiến hành cách mạng Xã hội Chủ nghĩa trên cả nước và thực hiện công cuộc đổi mới đất nước
Từ năm 1975 đến năm 1986
Sau chiến tranh giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc, đất nước ta gặp muôn vàn khó khăn, Đảng đã lãnh đạo Nhân dân vừa ra sức khôi phục kinh tế vừa tiến hành hai cuộc chiến tranh chống xâm lược biên giới phía Bắc và Tây Nam, bảo vệ độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ quốc gia; đồng thời tập trung lãnh đạo xây dựng cơ sở vật chất của chủ nghĩa xã hội, từng bước hình thành cơ cấu kinh tế mới trong cả nước, cải thiện đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân lao động. Tuy nhiên, việc duy trì lâu dài mô hình, cơ chế kinh tế tập trung bao cấp không còn phù hợp và đã bộc lộ những hạn chế, nhược điểm; việc hoạch định và thực hiện đường lối cách mạng xã hội chủ nghĩa, có lúc, có nơi đã mắc sai lầm khuyết điểm chủ quan, duy ý chí. Đó cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến sự trì trệ, khủng hoảng kinh tế - xã hội trong những năm đầu cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội.
Trước những thách thức của thời kỳ mới, Đảng ta đã tổng kết thực tiễn, tìm tòi, hoạch định đường lối đổi mới, ban hành Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 20/9/1979 của Hội nghị Trung ương 6 (khóa IV) về “Phương hướng, nhiệm vụ phát triển công nghiệp hàng tiêu dùng và công nghiệp địa phương”; Chỉ thị 100- CT/TW, ngày 13/01/1981 của Ban Bí thư về “Cải tiến công tác khoán, mở rộng khoán sản phẩm đến nhóm lao động và người lao động trong hợp tác xã nông nghiệp”; Quyết định số 25/QĐ-CP ngày 21/01/1981 của Chính phủ về đổi mới quản lý kinh tế quốc doanh; Nghị quyết Hội nghị Trung ương 8, khóa V (tháng 6/1985) thừa nhận sản xuất hàng hóa và những quy luật của sản xuất hàng hóa; Kết luận của Bộ Chính trị (tháng 8/1986) về 3 quan điểm kinh tế trong tình hình mới...
Từ năm 1986 đến nay
Trên cơ sở đánh giá tình hình đất nước và qua quá trình tìm tòi, khảo nghiệm, Đại hội VI của Đảng (tháng 12/1986) đã đưa ra đường lối đổi mới toàn diện đất nước, mở ra bước ngoặt quan trọng trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta.
Trước bối cảnh mô hình chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô và Đông Âu sụp đổ, hệ thống xã hội chủ nghĩa thế giới tạm thời lâm vào thoái trào, Đại hội VII của Đảng (tháng 6/1991) khẳng định tiếp tục đổi mới đồng bộ, triệt để trên các lĩnh vực với những bước đi, cách làm phù hợp và giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa. Đại hội đã thông qua Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, xác định những quan điểm và phương hướng phát triển đất nước, khẳng định chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh là nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam cho hành động của Đảng.
Các nghị quyết của Đảng từ Đại hội VIII đến nay tiếp tục khẳng định sự kiên định, kiên trì thực hiện đường lối đổi mới đất nước và hội nhập quốc tế. Hệ thống quan điểm lý luận về công cuộc đổi mới, về chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, về xây dựng và chỉnh đốn Đảng trong tình hình mới không ngừng được bổ sung và phát triển. Ðảng Cộng sản Việt Nam từng bước hoàn thiện và cụ thể hóa toàn diện các định hướng đổi mới, phát triển, xác định rõ trọng tâm trong từng giai đoạn. Ban Chấp hành Trung ương Ðảng các khóa đã ban hành nhiều nghị quyết về những vấn đề quan trọng; lãnh đạo để Quốc hội không ngừng bổ sung, hoàn thiện, thể chế hóa Hiến pháp, hệ thống pháp luật, tạo cơ sở pháp lý ngày càng đồng bộ, phù hợp cho quá trình đổi mới; lãnh đạo Chính phủ cụ thể hóa thành các cơ chế, chính sách và giải pháp quản lý, quản trị phát triển đất nước, bảo vệ Tổ quốc.
- Qua 33 năm thực hiện Cương lĩnh 1991 và gần 38 năm thực hiện đường lối đổi mới do Đảng khởi xướng và lãnh đạo, với sự nỗ lực của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, đất nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn và có ý nghĩa lịch sử. Đất nước ta vượt qua khủng hoảng kinh tế đã trở thành nước đang phát triển có thu nhập trung bình; đang đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Kinh tế tăng trưởng khá, nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa từng bước hình thành, phát triển. Văn hóa - xã hội có bước phát triển, công tác xóa đói, giảm nghèo đạt được những thành tựu quan trọng, sớm đạt được nhiều chỉ tiêu phát triển thiên niên kỷ của Liên hợp quốc, được quốc tế đánh giá cao. Diện mạo đất nước và đời sống của Nhân dân có nhiều thay đổi. Chính trị - xã hội ổn định; quốc phòng, an ninh được tăng cường. Sức mạnh về mọi mặt của đất nước được nâng lên. Dân chủ xã hội chủ nghĩa được phát huy và ngày càng mở rộng. Ðại đoàn kết toàn dân tộc được củng cố và tăng cường. Xây dựng Nhà nước pháp quyền và cả hệ thống chính trị được đẩy mạnh. Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đạt được kết quả tích cực. Số lượng đảng viên không ngừng gia tăng. Đa số cán bộ, đảng viên và Nhân dân phấn khởi, tin tưởng vào Đảng, Nhà nước, vào công cuộc đổi mới và triển vọng phát triển của đất nước.
Những thành tựu gần 38 năm thực hiện đường lối đổi mới đã tạo đà cho sự phát triển trong những năm tiếp theo; đồng thời minh chứng sinh động khẳng định vai trò lãnh đạo đúng đắn, sáng suốt của Đảng ta. Đến nay, Việt Nam trở thành điểm hẹn của hòa bình, là đất nước có vị thế sẵn sàng là bạn và đối tác tin cậy của tất cả các nước. Từ một nước bị bao vây, cấm vận từ bên ngoài và khủng hoảng kinh tế - xã hội bên trong, sau 38 năm đổi mới, nước ta đã có quan hệ ngoại giao với 193 quốc gia, trong đó có 6 nước đối tác chiến lược toàn diện, 12 nước đối tác chiến lược và 12 nước đối tác toàn diện; có quan hệ đối tác chiến lược toàn diện và đối tác chiến lược với tất cả các nước Thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và các nước G20. Việt Nam có tầm ảnh hưởng và có uy tín lớn với bạn bè quốc tế. Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế, uy tín quốc tế như ngày nay.
Nguyễn Hiền (tổng hợp)