Phòng chống thiếu vitamin A cho trẻ
Vitamin A có vai trò quan trọng đối với quá trình phát triển của trẻ. Thiếu vitamin A làm giảm tăng trưởng, tăng nguy cơ mắc các bệnh nhiễm khuẩn và tăng nguy cơ tử vong ở trẻ. Thiếu vitamin A dẫn đến bệnh khô mắt có thể để lại hậu quả mù lòa vĩnh viễn. Ở Việt Nam, tình trạng thiếu vitamin A cận lâm sàng vẫn đang là vấn đề có ý nghĩa sức khỏe cộng đồng đối với trẻ em dưới 5 tuổi. Người mẹ nuôi con bú, nhất là trong 6 tháng đầu nếu bị thiếu vitamin A, làm cho hàm lượng vitamin A trong sữa mẹ sẽ bị thấp, do đó, mặc dù trẻ được nuôi bằng sữa mẹ nhưng trẻ vẫn có nguy cơ thiếu vitamin A, ảnh hưởng không tốt tới quá trình lớn của bé.
Nguyên nhân bị thiếu vitamin A
- Do khẩu phần ăn bị thiếu hụt vitamin A: một chế độ ăn nhiều chất bột đường, ít thức ăn động vật (những thức ăn có hàm lượng vitaninA cao) như: gan, thịt, cá, trứng, tôm…, thiếu dầu mỡ làm giảm hấp thu vitamin A (vitamin A hòa tan trong dầu, mỡ), ăn ít rau xanh và hoa quả chín có nhiều Beta- caroten (rau ngót, đu đủ, cà rốt, gấc). . Sữa mẹ là nguồn vitamin A quan trọng của trẻ nhỏ. Trẻ không được bú mẹ có nguy cơ cao bị thiếu vitamin A.
- Tình trạng nhiễm khuẩn, nhiễm virut đặc biệt là khi trẻ lên sởi, viêm đường hô hấp, tiêu chảy kéo dài là nguyên nhân quan trọng dẫn tới tình trạng thiếu vitamin A. Do trẻ khi bị bệnh thì nhu cầu vitamin A tăng, trong khi đó khẩu phần ăn không đủ cung cấp, nên dễ dẫn đến thiếu hụt vitamin A.
- Trẻ bị suy dinh dưỡng nặng (đặc biệt là thể Kwashiokor) thường kèm theo thiếu vitamin A. Ngoài ra thiếu các vi chất khác như kẽm cũng ảnh hưởng tới chuyển hóa vitamin A trong cơ thể.
Những yếu tố nguy cơ làm cho trẻ dễ bị thiếu hụt vitamin A cũng đã được nghiên cứu như: trẻ trong độ tuổi < 5 tuổi (đặc biệt là trẻ từ 6 tháng đến 1 năm tuổi); trẻ không được bú sữa non; trẻ không được nuôi bằng sữa mẹ; trẻ ăn sam (ăn dặm) quá sớm hoặc khẩu phần ăn nghèo nàn thiếu chất; trẻ bị nhiễm trùng tái diễn, lâu ngày; trẻ là con của các ông bố, bà mẹ có kiến thức dinh dưỡng còn hạn chế.
Hậu quả khi trẻ bị thiếu vitamin A
Thiếu vitamin A nhẹ làm giảm phát triển cơ thể, tăng nguy cơ mắc bệnh nhiễm khuẩn đặc biệt là nhiễm khuẩn đường tiêu hóa (tiêu chảy) và nhiễm khuẩn đường hô hấp (viêm đường hô hấp).
- Thiếu vitamin A nặng ngoài việc làm giàm sức đề kháng của cơ thể, trẻ kém phát triển còn gây nên các tổn thương ở mắt. Các tổn thương đó nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời có thể dẫn đến mù lòa vĩnh viễn.
Phát hiện và điều trị trẻ khô mắt: Trẻ có biểu hiện khô mắt do thiếu vitamin A cần phải được phát hiện và điều trị nhanh chóng, kịp thời. Tất cả các trường hợp mắc bệnh từ quáng gà, khô kết mạc, vệt Bitot đến khô lóet giác mạc đều được cấp tốc điều trị theo phác đồ của Tổ chức y tế thế giới như sau:
Ngay lập tức cho uống 200.000 IU (Đơn vị quốc tế)
Ngày hôm sau uống tiếp 200.000 IU
Một tuần sau uống nốt 200.000 IU
Trẻ dưới 12 tháng dùng nửa liều trên (mỗi lần uống 100.000 IU)
Các biện pháp phòng chống thiếu vitamin A
Nâng cao chất lượng bữa ăn: Chế độ ăn hàng ngày cần cung cấp đủ nhu cầu vitamin A của trẻ. Thực hiện nuôi con bằng sữa mẹ vì sữa mẹ là nguồn cung cấp vitamin A tốt nhất đối với trẻ nhỏ, cho trẻ bú sớm trong vòng một giờ đầu sau sinh để tận dụng nguồn sữa non quý giá, vì sữa non có nhiều vitamin A và các kháng thể giúp trẻ phòng chống các tác nhân gây bệnh, thực hiện cho trẻ bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu. Khi tròn 6 tháng trẻ cần được ăn bổ sung hợp lý và tiếp tục duy trì bú sữa mẹ đến 24 tháng tuổi . Bữa ăn của trẻ nên chú ý sử dụng các loại thức ăn động vật giàu vitamin A. Trong 100 gam các loại thực phẩm ăn được thì hàm lượng vitamin có như sau: thịt gà có 120 mcg vitamin A; gan lợn có 6000 mcg vitamiA; cá trê có 93 mcg vitamin A; lòng đỏ trứng gà có 960 mcg vitamin A…). Bữa ăn của trẻ cần có dầu hoặc mỡ để giúp hấp thu tốt vitamin A. Các loại thức ăn nguồn gốc thực vật như rau xanh cà rốt, rau dền, xoài, dưa hấu, đu đủ chín, cà chua, gấc,.. và hoa quả chín có màu vàng, đỏ, da cam chứa hàm lượng Bêta-caroten cao, …. Caroten khi vào cơ thể sẽ được chuyển hóa thành vitamin A.
Bổ sung vitamin A liều cao cho trẻ: Trẻ từ 6 - 36 tháng được uống bổ sung viên nang vitamin A liều cao 2 lần/năm. Trẻ từ 37 tháng đến 60 tháng tuổi uống bổ sung viên nang vitamin A liều cao 2 lần/năm (với 22 tỉnh khó khăn có tỷ lệ suy dinh dưỡng cao). Liều lượng 1 lần như sau:
Trẻ < 6 tháng: uống 50.000 IU (đơn vị quốc tế)/ lần
Trẻ 6 -12 tháng: uống 100.000 IU/ lần
Trẻ > 12 tháng: uống 200.000 IU/ lần
Ngoài chiến dịch, bổ sung liều dự phòng cho trẻ dưới 5 tuổi khi bị tiêu chảy, viêm đường hô hấp, cần được uống 1 liều vitamin A liều cao (theo liều lượng trên ). Ngày 18/4/2014, Bộ trưởng Bộ Y tế đã có quyết định số 1327/QĐ-BYT ban hành “Hướng dẫn chẩn đoán, điều trị bệnh sởi” trong đó uống bổ sung vitamin A được coi là điều trị hỗ trợ đối với trẻ đang mắc sởi với liều cụ thể như sau:
Trẻ < 6 tháng: uống 50.000 IU (đơn vị quốc tế)/ ngày x 2 ngày liên tiếp
Trẻ 6 - 12 tháng: uống 100.000 IU/ ngày x 2 ngày liên tiếp
Trẻ > 12 tháng và người lớn: uống 200.000 IU/ ngày x 2 ngày liên tiếp
Trường hợp có biểu hiện thiếu vitamin A: lặp lại liều trên sau 4-6 tuần.
Vitamin A là loại vitamin tan trong chất béo khi thừa sẽ tích lũy và gây ngộ độc cho cơ thể với các biểu hiện đau đầu, mệt mỏi, buồn nôn, rụng tóc, rối lọan kinh nguyệt ở người lớn; mệt mỏi, chậm tăng cân, tăng áp lực sọ não (thóp phồng căng, não úng thủy), đau xương… ở trẻ em, vì thế không nên tự ý mua và sử dụng vitamin A một cách tùy tiện.
Tăng cường vitamin A vào thực phẩm: Nhiều nước trên thế giới và trong khu vực châu Á đã áp dụng tăng cường vitamin A vào một số thức ăn như mỡ Magarine, bột sữa gầy, đường, bột mì. Ở Việt Nam cũng đã có một số thực phẩm tăng cường vitamin A như đường, dầu ăn, bánh quy....
Nguyễn Hiền